Xả bỏ tâm phân biệt trên đường tu

Tu tập cuối cùng cũng là để không còn Tâm Phân Biệt, Buông Xả và An Lạc (Dù cho bạn có tu theo bất kỳ pháp môn nào). Tu hành thì phải chịu thiệt thòi, thua lỗ, có vậy tu mới tiến bộ.

Con đường TU cần phải trải qua gian khổ, như vậy mới có khai ngộ. Không nên hy vọng mọi người đối với mình tốt, nếu người tu chẳng vậy thì không khác gì kẻ thế tục. Tu hành thì phải chịu thiệt thòi, thua lỗ, có vậy mới tu tiến bộ.

Tu hành là làm những việc mà không ai chịu làm, luôn dũng mãnh, tinh tấn, chứ không phải tính toán, so đo rằng: “Việc này đâu phải để tôi làm”; bởi đó là thái độ chẳng khác người đời.

Làm những việc mà kẻ khác không làm, đó là cách tu phước huệ. Tu hành không phải là làm việc tính toán, so đo; không cần phải toan tính, sắp đặt.

Điều tốt thì góp nhặt để học, điều xấu thì vứt qua một bên. Tự mình trong lòng thông hiểu là đủ rồi, thuận theo đây mà tu hành Nhẫn Nhục Ba La Mật. Tu thì đừng hỏi ĐÚNG với SAI, đừng kể CÓ LÝ hay VÔ LÝ.

Tu thì đừng nói thị phi, ai đúng ai sai. Dù mình ĐÚNG LÝ mà người khác nói mình SAI, mình cũng cứ tiếp nhận ý kiến ấy. Hễ bạn tự nhận mình sai – dù mình đúng – thì phiền não sẽ không khởi, bằng ngược lại, tâm bạn sẽ không an, phiền não sẽ kéo tới.

Trên đường tu, có rất nhiều thứ không giống với đường đời, thế tục; do đó, đừng nên tranh chấp ĐÚNG VỚI KHÔNG ĐÚNG.

Xưa có hai người đồ đệ cùng tọa Thiền, một người ngồi rất trang nghiêm, còn người kia thì nghiêng qua ngã lại, nhưng Sư Phụ của họ lại lấy roi quất người ngồi nghiêm trang.

Nếu là người thời nay thì có lẽ y đã nổi giận, sinh phiền não rồi, song người đệ tử ấy thì lại vô cùng xấu hổ, thỉnh vấn Sư Phụ khai thị dạy bảo.

Tu hành không phải là tranh chấp ĐÚNG VỚI SAI. Tu hành cần phải có công phu nhẫn nhục, dù mình đúng mà bị trách là sai, mình cũng phải nhận chịu.

Nếu bạn thật có lòng muốn tu, thì đó chính là phước của bạn, do vậy cần tu cả phước lẫn huệ. Mỗi người cần trừ sạch hết những nghiệp chướng đã tạo xưa kia, rồi đừng tạo thêm nghiệp mới nữa, như vậy thì phước, huệ sẽ tăng gia.

*Hòa Thượng Quảng Khâm*

Niệm Kinh Chú mục đích nhiếp phục tam nghiệp hằng thanh tịnh để trừ được ba ác nghiệp là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

THÂN NGHIỆP gồm ba:

– Không SÁT SANH

– Không TRỘM CẮP

– Không TÀ DÂM

KHẨU NGHIỆP gồm bốn:

– Không NÓI DỐI

– Không NÓI LỜI ÁC KHẨU

– Không NÓI LƯỠI HAI CHIỀU

– Không NÓI LỜI THÊU DỆT

Ý NGHIỆP gồm ba:

– THAM

– SÂN

– SI

Như vậy niệm Kinh, niệm Chú, niệm Phật cũng đều mục đích như nhau để tam nghiệp hằng thanh tịnh. Khi tâm mình thanh tịnh tức tâm bình, tâm bình tạo ra thế giới bình “tướng tự tâm sanh,” mây tan thì trăng tự nhiên hiển bày tỏa sáng.

Khi chúng ta niệm chú một cách nhất tâm thì sẽ đoạn trừ được phiền não.

Kinh chú của Phật, tất cả mọi người có thể trì, nhưng muốn được lợi lạc trong khi tụng Kinh trì Chú người Phật tử cố gắng giữ tam nghiệp thanh tịnh, giữ giới dứt các điều ác làm các việc lành mới được công đức tốt đẹp.

Nguyện cầu cho Thế Giới được Hòa Bình. Tất cả Đệ Tử, Chúng Sinh đồng được An Lạc.

Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật!

Thầy Hoàng Quý Sơn