Tâm bất sinh (Tâm Phật bất sinh)

“Mọi việc tự nó giải quyết ổn thỏa, tốt đẹp mà không cần gì đến sự suy nghĩ hay sắp xếp tính toán của bạn”.

Chỉ cần chúng ta cứ làm mọi việc một cách bình thường KHÔNG HỀ DÙNG ĐẾN SUY NGHĨ thì nhất định chúng ta tự nhìn gì, làm gì, nói gì, cũng đúng cả – cho dù trước mắt mọi người thấy nó sai. Còn khi dùng suy nghĩ thì dù có nhìn gì, làm gì, nói gì cũng là bậy cả – cho dù trước mắt thấy nó đúng”.

Tôi rất tâm đắc Tâm Bất Sinh Của Ngài Bankei, nhưng phải mấy chục năm sau mới hiểu thêm được 1 chút làm thế nào để đạt giác ngộ. Chỉ có điều nói lại người ta không tin, và tự thân mình làm cũng không xong. Thế mới biết nói dễ mà làm khó; hiểu được đã khó, thâm nhập được càng khó gấp ngàn lần. (Thầy Hoàng Quý Sơn)

Một vị Tăng từ Sendai đến bảo: Tôi nhớ đâu đó có một thành ngữ rằng: “Tâm bị lụy vì hình hài.” (một câu trong bài thơ danh tiếng của thi sĩ Đào Tiềm, 371 – 427, nhan đề Quy khứ lai hề, Hãy trở về – ND). Tôi mong sống hợp với tâm nguyên thủy vào mọi thời, nhưng làm sao tu tập để được như thế? Xin Ngài chỉ giáo cho.

Sư dạy: Trong tông phái tôi, không có hình thức chỉ giáo nào đặc biệt về pháp tu, cũng không có phương pháp đặc biệt nào. Vì người ta không nhận ra rằng ngay trong chính mình đã sẵn đủ cái Tâm Phật mà họ có từ thuở sơ sinh, nên họ mất hết tự do giải thoát và nói về chuyện muốn sống hợp với tâm nguyên thủy.

Khi bạn ngộ được rằng Tâm Phật bạn có từ cha mẹ sinh, vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu, thì tay chân bạn vận hành thoải mái, và đấy là công năng của Tâm Phật chiếu sáng vốn Bất sinh. 

Bằng chứng là, vì muốn nghe Bankei, bạn đã từ Sendai lặn lội đến đây qua một đoạn đường dài. Nhưng khi bạn dừng chỗ này chỗ kia dọc đường để nghỉ, thì không phải lúc nào bạn cũng nghĩ đến Bankei. Ban ngày, bạn ngắm phong cảnh trên đường, và nếu có người cùng đi, bạn nói chuyện với họ. Mặc dù trong lúc đi, bạn không nghĩ gì về cuộc gặp gỡ với tôi, cuối cùng bạn vẫn đến chỗ tôi. Đây là ý nghĩa về Tâm Phật vốn Bất sinh và dàn xếp mọi sự một cách êm đẹp.

Lại nữa, ở Sendai bạn thấy những con cò màu trắng và những con quạ màu đen không cần ai nhuộm. Ở đây cũng vậy, mặc dù không cố ý phân biệt, vừa khi thấy chúng xuất hiện, bạn biết ngay con trắng là cò và con đen là quạ. Không cần dấy lên ý tưởng nào, tất cả điều đó được dàn xếp một cách trơn tru phải thế không?

Khi ấy vị Tăng hỏi: Tôi thấy không thể nào kiểm soát tất cả những sân si dục vọng trong tôi. Tôi phải làm sao, xin Ngài chỉ giáo.

Sư trả lời: Các ý tưởng muốn kiểm soát của bạn chính là một vọng tưởng, đổi Tâm Phật thành ra vọng tưởng. Vọng tưởng vốn không có thực chất khi nó sinh khởi. Sự thật chúng chỉ là những cái bóng, những sự việc bạn đã thấy và nghe khi gặp cơ hội lại trồi lên.

Vị Tăng lại hỏi: GIÁC NGỘ LÀ GÌ?

Sư trả lời: Không có điều gì gọi là giác ngộ, đấy hoàn toàn là một đeo đuổi vô ích. Hãy nhận ra một cách rốt ráo rằng Tâm Phật mà bạn có từ cha mẹ vốn Bất sinh và chiếu sáng kỳ diệu – đó chính là giác ngộ. Không nhận ra điều này là si mê.

Vì Tâm Phật nguyên thủy vốn Bất sinh, nên nó vận hành không có những ý tưởng về si mê hay mong cầu giác ngộ. Vừa khi có ước muốn giác ngộ là bạn đã rời khỏi vị trí của Bất sinh và đi ngược lại với nó. Vì Tâm Phật là Bất sinh, nó tuyệt nhiên không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng là nguồn gốc của vô minh. Khi hết tư tưởng thì vô minh cũng diệt. Và khi bạn đã hết vô minh thì không cần gì nói đến mong muốn đạt giác ngộ, phải vậy không?

Nguyên tác: Thiền Sư Bankei

Thầy Hoàng Quý Sơn: Xưa nay ai cũng nghĩ rằng bất cứ làm gì cũng phải SUY NGHĨ KỸ LƯỠNG mới mong THÀNH CÔNG hoặc được như ý, nhưng nó HOÀN TOÀN KHÔNG ĐÚNG. Cho nên Ngài Bankei mới nói “mọi việc tự nó sẽ giải quyết một cách ổn thỏa tốt đẹp mà không cần gì đến sự suy nghĩ hay sắp xếp tính toán của bạn”.

Có một cô khóc và nói với tôi rằng cô ta rất đau khổ vì đã nhiều năm lường gạt mọi người khi mượn tiền họ, nay không muốn tiếp tục nhưng lại không dám nói thật vì sợ chồng và gia đình đổ vỡ, cha mẹ không sống nổi….

Tôi khuyên cô ta hãy nói thật và cô đã nói thật với chị họ cô ta, và cô đã ngạc nhiên là chị họ cô ta đã không trách mà lại ôm cô khóc sướt mướt, vì tự thấy có lỗi không giúp được gì cho cô ta trước đó, và để cô lún sâu vào tội lỗi…

Sự tình đơn giản vậy thôi, cần gì phải suy nghĩ tìm cách nói láo, nói thật lại được việc hơn và chỉ cần một lần là giải quyết dứt khoát. Cho nên con tôi đứa nào khoảng 2 tuổi làm lỗi hay phá đồ hư khi tôi hỏi thì đều chối nên luôn dạy một điều: “Bất cứ con làm gì sai hay hư hại đến đâu, nếu ai hỏi thì con hãy cứ nói thật, dù họ có tức giận đến đâu, họ cũng chẳng làm gì được con cả. Vì họ sẽ không đánh con, họ chỉ biết cười trừ thôi, thế thì tại sao lại không nói thật?”! Cho nên con tôi mà làm gì sai, ai hỏi thì nó còn hãnh diện mà vỗ ngực bảo là chính nó làm đó.

Nếu chúng ta làm và nói mọi thứ đúng với sự thật khi bị hỏi đến thì ít nhất tham sân si không thể chi phối chúng ta.

Bởi vì TÂM PHẬT KHÔNG BIẾT NÓI LÁO, không biết tham lam, không biết tư lợi, không muốn làm giàu, không sợ bị nghèo, không sợ bị người ta khinh, không mong người ta trọng, không cần có chồng con, cũng không sợ có chồng con, không tin Phong Thủy và Số Mạng mà vẫn biết có Phong Thủy và Số Mạng…

Chỉ cần chúng ta cứ làm mọi việc một cách bình thường không hề dùng đến suy nghĩ thì nhất định chúng ta tự nhìn gì, làm gì, nói gì, cũng đúng cả – cho dù trước mắt mọi người thấy nó sai! Còn khi dùng suy nghĩ thì dù có nhìn gì, làm gì, nói gì cũng là bậy cả – cho dù trước mắt thấy nó đúng!

Vì sao, vì suy nghĩ tính toán là vọng tưởng, còn không suy nghĩ tính toán là làm theo Tự Tánh; không hề có một ý nghĩ hay tính toán nào khởi lên thì đó là làm với Phật Tánh Chân Tâm cho nên làm gì cũng đúng!

Bản thân mỗi người đều có TỰ TÁNH SẴN CÓ, chúng ta chỉ TÌM VỀ mà thôi.

Nguyện cầu cho tất cả ai đọc được bài này sẽ được nhiều lợi ích và một thời đồng trọn thành Phật Đạo!

Thầy Hoàng Quý Sơn