Giáo Pháp Của Thế Tôn

Ai cũng biết giáo pháp của Thế Tôn có 84 ngàn Pháp Môn, nhưng tóm lại bất kể Pháp Môn nào Ngài nói cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là: KHAI THỊ NGỘ NHẬP TRI KIẾN PHẬT.

Ngài đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần bí yếu để Giải Thoát mà bất kỳ ai làm theo thì nhất định sẽ giải thoát khỏi sự ràng buộc đau khổ. 

Ngài nói rất đơn giản như sau:

1. Chúng ta ôm GÁNH NẶNG buồn rầu đau khổ của QUÁ KHỨ, cố thay đổi một TƯƠNG LAI không thể biết trước, mà đánh mất HIỆN TẠI của mình. Nếu luôn sống trong HIỆN TẠI, chúng ta sẽ nhận rõ ràng chính mình, biết mình đang bị vấn đề gì làm mình đau khổ nên thoát ra được.

Lời nói này của Đức Phật thật là mầu nhiệm và trên cả tuyệt vời. Chúng ta thấy những người suốt ngày đêm than thở vì bị họ gạt tiền, gạt tình, gạt mất lòng tin… Rồi cứ thế rên siết, than van, đau khổ, hận thù… Có người nào khá hơn không? Bởi vì những thứ mất rồi không tìm lại được, cố đau khổ về nó thì có ích gì? Càng tính toán, suy nghĩ, tìm cách để giải quyết tương lai càng ngày càng thêm thất bại. Còn những người không ôm tảng đá hay tảng băng của QUÁ KHỨ, mỗi ngày chí thành lo tu tập như Làng Ta hướng dẫn và sống với HIỆN TẠI thì, người nào cũng đều đang sống với kết quả tốt đẹp cả. 

2. Ngài hỏi ngài Đại Ca Diếp trước khi nhận làm đệ tử như sau:

– Ông tin rằng khổ có thật hay không? Và có tin rằng đằng sau khổ có nguyên nhân không?

– Đúng vậy! Ngài Ca Diếp trả lời.

– Nếu như có nguyên nhân gây ra đau khổ, vậy khi nguyên nhân ấy chấm dứt thì khổ đau có còn không? Giống như Mặt Trời (dụ cho trí tuệ có thể làm hết ngu si) có thể xua tan bóng đêm. Đức Thế Tôn nói!

– Tôi tin những lời nói của Ngài, nhưng đó là từ kinh nghiệm bản thân của Ngài, không phải là của Kinh Vệ Đà. Ngài nói rằng có 1 con đường đưa chúng ta đến Giải Thoát. Quan sát Trí Tuệ của chính mình, và đi sâu vào THIỀN ĐỊNH, nhờ vào đó mà con người có thể hiểu rõ mình và tất cả chúng sinh. Nhưng tôi có 1 thắc mắc, những nghi thức tôn giáo như là thần thông và cúng tế Thần Linh, chúng có ích lợi gì không?

– Giả sử có người muốn đi qua bên kia sông, vậy thì họ phải làm sao? Đức Phật thay vì trả lời đã dùng câu hỏi để gài thế, đưa đối phương vào tròng.

– Họ có thể lội qua sông, dùng thuyền chèo, hoặc bơi qua sông. Ngài Ca Diếp trả lời.

– Nếu như anh ta KHÔNG MUỐN làm những điều đó thì sao? Vậy anh ta chỉ có thể cầu xin thần linh.

– Cầu xin như thế bờ sông bên kia có xuất hiện dưới chân anh ta không? Đức Thế Tôn hỏi.

– Hạng người này chúng ta gọi là NGU DỐT! Ngài Ca Diếp trả lời dứt khoát.

– Cũng như vậy, nếu một người dùng TRÍ TUỆ hàng phục DỤC VỌNG và NGU SI, thì làm sao họ không tìm được Chân Lý và Đạo Giải Thoát kia chứ! Nếu như họ chỉ lo cầu cúng, và hiến tế, họ sẽ mãi mãi dậm chân tại chỗ mà thôi. Họ không thể bước ra khỏi điểm xuất phát!

Ngay lúc đó, Ngài Ca Diếp nói rằng, mình đã từng học rất nhiều thầy và những kinh điển, nhưng xưa nay chưa từng nghe ai có thể dùng lời lẽ đơn giản mà có thể nói rõ Chân Lý như vậy. Ngài liền lạy Đức Thế Tôn mà xin làm đệ tử. 

Nên nhớ ngài Ca Diếp cũng là Giáo Chủ của một giáo phái, thế mà ngộ ra liền chịu làm đệ tử ngay, còn kêu thêm 2 người em và tất cả các đệ tử của họ Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng. Trong khi lúc đó tuổi Đức Phật khoảng chỉ bằng tuổi của cháu nội Ngài thôi. Thế mới biết người Ấn Độ họ có thể đạp đổ hết tất cả các rào cản, họ chỉ nhằm một mục đích duy nhất là cầu Pháp, cầu Trí Tuệ mà thôi.

3. Đức Thế Tôn giữ lời hứa trở lại gặp vua Tần Ba Sa La, với vẻ oai nghi của Ngài như Nai Chúa, vua than rằng:

– Phẩm chất thù thắng tuyệt diệu của Ngài, giống như sự vi diệu thanh cao của tiếng “OM”, chắc Ngài đã chứng được Chân Lý Vô Thượng. Còn ta dù đã làm chuyển luân thánh vương nhưng vẫn thấy tự hổ thẹn.

– Nếu như Ngài có suy nghĩ như vậy là không đúng đâu. Khi Ngài dùng tư tưởng để quan sát thì liền bị suy nghĩ làm chủ, nên liền sinh ra phân biệt. Mặt đất là nền tảng của chúng ta, trời xanh cho chúng ta không gian tự do, thân chúng ta đều ở trong đó. Nếu vậy cần gì phải phân biệt?

Ngài tin vào PHÁP hay tin vào ĐẠO ĐỨC?

– Lẽ nào hai điều này không giống nhau sao? Vua Tần Bà Sa La hỏi.

– Đúng vậy. Đạo Đức lấy Thiên Đường làm mục tiêu để dụ con người hướng đến và Địa Ngục khiến cho con người sợ hãi. Phân biệt sự ĐÚNG SAI của sự vật. Còn PHÁP thì không như vậy!

– Vậy Pháp là gì? Thế nào gọi là Chân Lý Vô Thượng? Vua hỏi.

– Chỉ có thể tự mình thể nghiệm. Hiểu rõ bản thân, nhận thức được chính mình: KHÔNG CÓ TƯ TƯỞNG, KHÔNG CÓ DỤC VỌNG. Chỉ bằng cách cảm nhận và giữ được cách trung hòa. Lãnh hội được những điều này, ngài sẽ KHÔNG CÒN NHẬN THẤY SỰ TỒN TẠI CỦA VẠN VẬT CÓ GÌ KHÁC BIỆT. Như: thời tiết thay đổi, cây cối lá rụng hoặc điêu tàn. Trí Tuệ Vô Thượng đó (Phật Tánh), Mặt Trời, Mặt Trăng, Tinh Tú, Ngân Hà… Chân Lý Vô Thượng đó mỗi người đều có thể sở hữu.

Vua Tần Bà Sa La liền lạy Đức Thế Tôn xin làm đệ tử!

Chỗ này Đức Như Lai muốn nói về Phật Tánh hay còn gọi là Như Lai hay Tâm Bất Sinh và nếu nhận ra được và an trú ở trong đó thì sẽ thấy vạn vật là một. Không còn thấy mình người, cũng không hết mình người, không tôn quý không thấp hèn. Ví như vạn vật ở trong vũ trụ này có biến đổi thế nào chăng nữa, cũng đều ở trong hư không và không hề có chút ảnh hưởng gì đến hư không. 

Đó là tinh thần Bát Nhã!!!

Nguyện cầu cho tất cả ai đọc được bài này sẽ được nhiều lợi ích và một thời đồng trọn thành Phật Đạo!

Thầy Hoàng Quý Sơn